Những lưu ý trong công tác thanh kiểm tra thuế theo thông tư 80/2021/TT-BTC
Ngày 29/09/2021 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ – CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
A. Công tác kiểm tra thuế
I. Kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế (Theo Điều 71 Thông tư 80/2021/TT-BTC), gồm 4 bước như sau:
1, Phân loại hồ sơ thuế: Hồ sơ thuế được phân loại thành 03 mức độ rủi ro: Rủi ro thấp, rủi ro trung bình, rủi ro cao.
2, Cơ quan thuế đề xuất kế hoạch kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế hoặc xử lý theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này đối với hồ sơ có rủi ro cao.
3, Kiểm tra hồ sơ thuế
Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, đối chiếu, so sánh, phân tích hồ sơ thuế và trao đổi tác nghiệp với Doanh nghiệp có quyết định kiểm tra thuế để bổ sung các hồ sơ (nếu cần) để tiến hành kiểm tra xác minh số liệu và ra kết quả kiểm tra.
4, Xử lý kết quả kiểm tra
II. Kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế (Theo Điều 72 Thông tư 80/2021/TT-BTC)
1, Các trường hợp kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, tần suất kiểm tra, thời gian gửi quyết định kiểm tra được thực hiện theo:
+ Điểm a, b, d, đ, e, g Khoản 1 Điều 110 Luật Quản lý thuế số 38.2019.
+ Khoản 2 Điều 110 Luật Quản lý thuế số 38.2019.
+ Khoản 3 Điều 110 Luật Quản lý thuế số 38.2019.
2, Các trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động không phải thực hiện quyết toán thuế nêu tại điểm g khoản 1 Điều 110 Luật Quản lý thuế
3, Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế
a) Ban hành Quyết định kiểm tra thuế.
b) Việc kiểm tra theo Quyết định kiểm tra thuế phải được tiến hành chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành Quyết định kiểm tra trừ trường hợp phải bãi bỏ Quyết định kiểm tra thuế theo mẫu số 06/KTT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này hoặc hoãn thời gian kiểm tra.
c) Trường hợp người nộp thuế có văn bản đề nghị hoãn thời gian tiến hành kiểm tra, thì văn bản phải nêu rõ lý do và thời gian hoãn hoặc trường hợp cơ quan thuế có lý do bất khả kháng phải hoãn thời gian tiến hành kiểm tra thì cơ quan thuế có văn bản thông báo cho người nộp thuế trước khi hết thời hạn công bố quyết định kiểm tra theo mẫu số 08/KTT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này. Thời gian tạm dừng không tính trong thời hạn kiểm tra.
d) Trường hợp trong quá trình kiểm tra thuế phát sinh việc phải điều chỉnh về Quyết định kiểm tra (thay Trưởng đoàn, thành viên hoặc bổ sung thành viên đoàn kiểm tra, bổ sung nội dung, thời kỳ kiểm tra hoặc điều chỉnh giảm thành viên đoàn kiểm tra, nội dung, thời kỳ kiểm tra) thì Trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo người có thẩm quyền để ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định kiểm tra. Quyết định điều chỉnh quyết định kiểm tra được thực hiện theo mẫu số 09/KTT, 10/KTT, 11/KTT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này.
đ) Biên bản kiểm tra thuế.
đ.1) Kết thúc kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế, Đoàn kiểm tra lập dự thảo Biên bản kiểm tra theo mẫu số 12/KTT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này và công bố công khai trước Đoàn kiểm tra và người nộp thuế để có ý kiến, giải trình. Ý kiến, giải trình của người nộp thuế phải được lưu cùng dự thảo biên bản (nếu có). Biên bản công khai dự thảo Biên bản kiểm tra lập theo mẫu số 13/KTT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này.
Việc có ý kiến giải trình, hoàn thiện và ký Biên bản kiểm tra giữa Đoàn kiểm tra với người nộp thuế phải được thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra. Nếu người nộp thuế vẫn có ý kiến thì được ghi tại Biên bản hoặc lưu cùng Biên bản đã ký. Biên bản kiểm tra phải được Trưởng đoàn kiểm tra và người nộp thuế (hoặc đại diện hợp pháp của người nộp thuế) ký vào từng trang, đóng dấu của người nộp thuế nếu người nộp thuế là tổ chức có con dấu riêng (bao gồm cả dấu riêng, giáp lai giữa các trang của biên bản).
đ.2) Trường hợp còn vướng mắc về cơ chế chính sách phải xin ý kiến thì ghi nhận tại biên bản. Khi có văn bản trả lời thì Đoàn kiểm tra hoặc bộ phận kiểm tra chịu trách nhiệm lập phụ lục biên bản với người nộp thuế theo mẫu số 14/KTT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này để xử lý theo quy định của pháp luật.
đ.3) Trường hợp người nộp thuế không ký Biên bản kiểm tra khi hết thời hạn theo quy định thì Trưởng đoàn kiểm tra phải lập biên bản vi phạm hành chính về việc không ký biên bản, báo cáo người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời yêu cầu người nộp thuế ký biên bản kiểm tra.
e) Xử lý kết quả kiểm tra thuế.
e.1) Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày ký Biên bản kiểm tra với người nộp thuế, Trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo kết quả kiểm tra với lãnh đạo bộ phận kiểm tra và người ban hành quyết định kiểm tra.
Trường hợp kết quả kiểm tra dẫn đến xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính thì Thủ trưởng cơ quan thuế ban hành Quyết định xử lý vi phạm về thuế hoặc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt. Trường hợp kết quả kiểm tra không xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính thì người ban hành Quyết định kiểm tra ban hành Kết luận kiểm tra theo mẫu số 15/KTT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này.
e.2) Trường hợp qua kiểm tra thuế mà phát hiện hành vi vi phạm về thuế có dấu hiệu trốn thuế, gian lận về thuế thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng cơ quan thuế để xem xét tiến hành thanh tra hoặc chuyển hồ sơ kiểm tra sang cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục và thời hạn ban hành Quyết định xử lý vi phạm về thuế, chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thực hiện hoặc chuyển hồ sơ kiểm tra sang cơ quan điều tra thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật tố tụng hình sự, các văn bản hướng dẫn thi hành và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hoá đơn.
g) Việc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế được ghi nhật ký điện tử.
4, Giám sát Đoàn kiểm tra.
a) Việc giám sát hoạt động Đoàn kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế được thực hiện đối với tất cả các Đoàn kiểm tra thuế và thực hiện bằng hình thức Người ban hành Quyết định kiểm tra tự giám sát hoặc giao giám sát.
Trường hợp Người ban hành quyết định kiểm tra thuế tự thực hiện giám sát thì được quy định tại Quyết định kiểm tra. Trường hợp giao giám sát thì Người ban hành Quyết định kiểm tra ban hành Quyết định giám sát.
b) Quyết định giám sát được gửi cho Đoàn kiểm tra thuế, người giám sát, đối tượng kiểm tra thuế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và được công bố cùng thời điểm công bố Quyết định kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.
c) Việc giám sát hoạt động của Đoàn kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế được tiến hành thường xuyên kể từ ngày công bố Quyết định kiểm tra đến ngày kết thúc thời gian kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và phải tuân thủ theo pháp luật, bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời.
* Cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc thực hiện các trình tự thủ tục quy định tại khoản 5 Điều này nếu đáp ứng điều kiện để sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin thì không nhất thiết phải tiến hành tại trụ sở của người nộp thuế.
B. Thanh tra thuế
I. Các trường hợp thanh tra thuế (Điều 113 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14)
1, Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
2, Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
3, Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.
4, Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.
II. Quyết định thanh tra thuế (Điều 114 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14)
1, Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế.
2, Quyết định thanh tra thuế phải có các nội dung chính sau đây:
a) Căn cứ pháp lý để thanh tra thuế;
b) Đối tượng, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra thuế;
c) Thời hạn tiến hành thanh tra thuế;
d) Trưởng đoàn thanh tra thuế và các thành viên của đoàn thanh tra thuế.
3, Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký, quyết định thanh tra thuế phải được gửi cho đối tượng thanh tra.
4, Quyết định thanh tra thuế phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thanh tra thuế.
III. Thời hạn thanh tra thuế (Điều 115 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14)
1, Thời hạn thanh tra thuế thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính là thời gian thực hiện thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế.
2, Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra thuế gia hạn thời hạn thanh tra thuế theo quy định của Luật Thanh tra. Việc gia hạn thời hạn thanh tra thuế do người ra quyết định thanh tra quyết định.
IV. Kết luận thanh tra thuế (Điều 119 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14)
1, Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra thuế trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, người ra quyết định thanh tra thuế phải có văn bản kết luận thanh tra thuế. Kết luận thanh tra thuế phải có các nội dung chính sau đây:
a) Đánh giá việc thực hiện pháp luật về thuế của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra thuế;
b) Kết luận về nội dung được thanh tra thuế;
c) Xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm;
d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
2, Trong quá trình ra văn bản kết luận, quyết định xử lý, người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra báo cáo, yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc ra kết luận, quyết định xử lý.
Bài viết trên PPI đã chia sẻ về những lưu ý trong công tác thanh kiểm tra thuế theo thông tư 80/2021/TT-BTC. Hi vọng với những chia sẻ trên có thể giúp ích cho các bạn. Để biết thêm chi tiết về các dịch vụ kế toán cũng như khóa học kế toán tại PPI, vui lòng liên hệ:
ĐẠI LÝ THUẾ PPI VIỆT NAM
TRỤ SỞ CHÍNH HÀ NỘI:
Cơ sở 1 tại Cầu Giấy: Tầng 12 Tòa nhà Eurowindow Multi Complex số 27 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy – Hà Nội
Cơ sở 2 tại Thanh Xuân: Tầng 12 – Tòa nhà Diamond Flower, 48 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
Cơ sở 3 tại Hà Đông: Tầng Dịch Vụ Tòa A Chung cư sông Nhuệ, P.Kiến Hưng, Hà Đông – Hà Nội
CN NAM ĐỊNH: 106 Nguyễn Khánh Toàn, khu đô thị Bãi Viên, TP.Nam Định
CN HẢI DƯƠNG: 45C Phố An Ninh, P. Quang Trung, TP.Hải Dương
Hotline: 0944 32 5559 hoặc 0912 535 542
Website: www.ketoanppivietnam.vn
Fanpage: Kế Toán PPI_Việt Nam
Email: ktppivietnam@gmail.com